:::Danh mục:::

:::THỜI TIẾT:::

Muốn kiện huỷ hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được không?

Đăng lúc: Thứ hai - 18/07/2016 12:11 - Người đăng bài viết: admin
Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật.
Hỏi: Năm 1994, tôi được mua 1 suất đất của xã theo tiêu chuẩn mẹ liệt sĩ. Giấy tờ đứng tên tôi nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đầu 2006, tôi tặng cho thửa đất cho con gái và con rể. Đến tháng 6/2016 các con tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Nay tôi muốn kiện huỷ hợp đồng tặng cho cũ, lấy lại đất thì có được không? Biết rằng hợp đồng tặng cho đã được chứng thực ở UBND cấp xã.

Muốn kiện huỷ hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được không? - Ảnh 1

Ảnh minh họa.

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này chuyên gia tư vấn của Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội đưa ra ý kiến như sau:

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận (Điều 722 Bộ luật dân sự năm 2005). Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản(Điều 467, Bộ luật Dân sự)

Theo thông tin bạn cung cấp thì Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bạn và con gái, con rể đã đáp ứng các điều kiện về hình thức của Hợp đồng, đã được chứng thực tại UBND cấp xã và đến tháng 6/2016, con gái và con rể của bạn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Tuy nhiên, về nội dung của Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, do bạn chưa cung cấp đầy đủ thông tin như: đây là hợp đồng tặng cho có điều kiện hay không có điều kiện? Nếu có điều kiện thì các điều kiện đó là gì, có khả thi, có hợp pháp không ? Các bên thực hiện các điều kiện đó như thế nào? Các bên có quyền và nghĩa vụ như thế nào trong Hợp đồng?,... Do đó, nếu bạn muốn khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền, yêu cầu con gái và con rể trả lại quyền sử dụng mảnh đất trên, thì căn cứ vào nội dung Hợp đồng tặng cho, bạn có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình theo 02 phương án sau:

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện

Trong trường hợp, bạn tặng cho thửa đất trên cho con gái và con rể nhưng có điều kiện (điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội)thì bạn có quyền đòi lại tài sản khi con gái, con rể không thực hiện nghĩa vụ được giao theo Hợp đồng tặng cho. Cụ thể, Điều 470, Bộ Luật Dân sự 2005 quy định:

1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

2. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

3. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

 

Như vậy, trong trường hợp, đây là hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện mà con gái, con rể bạn không thực hiện các điều kiện, nghĩa vụ theo Hợp đồng tặng cho trên, thì bạn có quyền đòi lại quyền sử dụng đối với mảnh đất này và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu

Theo quy định tài Khoản 1 Điều 410 Bộ luật dân sự năm 2005 về hợp đồng dân sự vô hiệu thì các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 127 đến Điều 138 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.

Căn cứ quy định trên, đối chiếu với quy định từ Điều 127 đến Điều 138 Bộ luật dân sự năm 2005 thì hợp đồng tặng cho vô hiệu trong các trường hợp sau: Vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luât, trái đạo đức xã hội; vô hiệu do giả tạo; vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; vô hiệu do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa; vô hiệu do người xác lập không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; vô hiệu do vi phạm quy định về hình thức.

Khi hợp đồng tặng cho bị tuyên vô hiệu sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập. Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, nếu không thể hoàn trả bằng hiện vật thì hoàn trả lại bằng tiền. Bên gây thiệt hại thì phải bồi thường. (Điều 137, Bộ luật Dân sự)

Do đó, bạn có thể căn cứ vào nội dung Hợp đồng tặng cho bất động sản để xem xét đến khả năng thuộc các trường hợp vô hiệu như đã nêu trên, từ đó bạn có thể yêu cầu cơ quan Tòa án buộc con gái và con rể phải hoàn trả lại quyền sử dụng đất cho bạn theo đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, do Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được các bên xác lập từ năm 2006, do vậy, bạn cần phải lưu ý về thời hiệu yêu cầu tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu, theo đó:

Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố Hợp đồng vô hiệu là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập, trong các trường hợp sau:

(1) Vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện;

(2) Vô hiệu do bị nhầm lẫn

(3) Vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa

(4) Vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

(5) Vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Như vậy, thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu nếu thuộc 05 trường hợp nêu trên thì thời hiệu yêu cầu đã hết. Nhưng, nếu bạn có căn cứ chứng minh Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc/và vô hiệu do giả tạo thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên Hợp đồng vô hiệu sẽ không bị hạn chế. (Điều 136, Bộ luật Dân sự).

Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

 
Nguồn: Người đưa tin
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

.

:::Thống kê:::

  • Đang truy cập: 16
  • Hôm nay: 4277
  • Tháng hiện tại: 43767
  • Tổng lượt truy cập: 5108345